Phần 2: Con đường màu mây và tập tục thiên táng
(Tặng những người bạn đồng hành)
Bài: Ngô Ly Kha, ảnh: Ly Kha – Kiều Nga
Tôi muốn đến Banaue và Sagada (miền Bắc Philippines) không phải vì ruộng bậc thang Batad hay vì hang động Sumaguing kỳ vĩ mà vì huyền quan – những cỗ quan tài treo nằm cheo leo trên vách đá mà tôi đã có dịp nhìn thấy trong một chương trình ti vi từ khi còn nhỏ.
[Trên hành trình ấy, Banaue vô tình là điểm dừng chân của nhà xe Ohayami, hãng xe duy nhất chạy từ Manila đến vùng núi này. Muốn đến được Sagada, phải mất thêm 3 giờ trên xe bus hay xe van thuê riêng. Du khách thường đến thẳng Sagada ngay khi đáp Banaue rồi sẽ quay lại đây tham quan lúc trở về, nhưng nhóm tôi đã đuối sức sau chuyến xe đêm nên quyết định đặt phòng tại Banaue và thăm Batad, trước khi chinh phục một góc nhỏ xíu của Sagada.]
Từ cửa sổ xe, trên đường đi Sagada
Bình minh trên rẻo cao
Sớm hôm sau, chúng tôi lên đường đi Sagada cùng với anh chủ khách sạn Las Vegas và cô bạn anh. Vì chỉ còn một ngày để thăm thú Sagada trong khi đường đi lại quá dài nên chúng tôi quyết định thuê xe anh với giá 4.000peso/ngày cho hai lượt đi về. (Nếu đi bus + tricycle hoặc “share” xe chung với các nhóm khác, có thể tiết kiệm được 200-300p/người nhưng lại không được chủ động về thời gian). Anh chủ có cô bạn ở xa đến chơi, khi anh đi thì khách sạn phải đóng cửa, cô bạn phải ở một mình nên cô cũng đu theo nhóm tôi dù chỉ ngồi trên xe bắt chuyện.
Xe vừa ra khỏi thị trấn thì đến ngay một điểm ngắm cảnh ở trên đồi. Nắng sớm dác vàng trên đồng lúa xanh tương phản với màu áo đỏ rực của các cụ bà người dân tộc thiểu số. Tôi chưa bao giờ thấy một bình minh nào lung linh như vậy, nhất là khi sương mai cùng nắng sớm tạo thành những tia cầu vồng lấp lánh trên đỉnh đầu.
Bình minh diệu kỳ
Sau khi đã hít thật đầy bầu không khí mát lành tinh sạch, chúng tôi lại đi qua những cung đường mênh mang mây núi. Xe đi giữa lưng chừng trời, với núi non trùng điệp hùng vĩ và những nếp nhà lác đác đẹp mê ly. Có những đoạn lên dốc, chỉ thấy trời xanh ở phía trước, gió lùa mát rượi qua cửa kính xe và tiếng guitar chơi Hotel California réo rắt. Người ta hẳn có thể rong chơi suốt đời như vậy, chỉ cần một chiếc xe và một người bạn tâm giao…
Con đường màu mây
Chào mừng đến với Sơn Tỉnh
Xe dừng ở một thị trấn nhỏ bên đường, nơi có tấm biển kiêu hãnh giữa trời xanh “Welcome to Mountain Province”. Đây cũng là cảm hứng để tôi đặt tựa đề cho loạt bài này – “Đường lên Sơn Tỉnh”. Không hiểu sao, giây phút đó, tấm biển kia lại có sức hút kỳ lạ với tôi. Chẳng có lời chào mừng nào thuyết phục hơn khi người ta dựng một tấm biển ở lưng trời, giữa muôn trùng mây núi và bảo rằng bạn đã đến tỉnh Núi rồi.

Chúng tôi ăn sáng ở nhà của hai cô gái rất dễ thương, người đã chạy đi mua đọt su su để chiều lòng các thực khách đường xa. Rút kinh nghiệm vụ án “7 con sâu”, lần này cả nhóm lẫn anh chủ nhà – tài xế đều nhảy vào nhặt rau phụ chủ quán. Món su su xào nóng hổi này mặc nhiên cũng được ghi vào Sổ Những món ăn thần thánh ở Phil.

Gần 2/3 đoạn đường còn lại là những đèo dốc quanh co nằm chênh vênh giữa núi cao và vực thẳm. Xe trôi qua các bản làng nằm ven con suối dài, băng qua thị trấn Bontoc đông đúc và sầm uất rồi lại tiếp tục leo dốc cho đến khi đạt độ cao 1.766 mét so với mặt nước biển. Lúc này, chúng tôi đã đến Sagada, nơi được mệnh danh là một “Shangri-La (chốn bồng lai) của Philippines” nhờ khí hậu mát mẻ và cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục.
Tập tục thiên táng và động táng ở Sagada
Ở đây không khí nhộn nhịp và đông vui hơn nhiều so với Banaue, du khách thường chọn Sagada làm nơi nghỉ đêm cho hành trình khám phá phương Bắc. Chúng tôi vào văn phòng du lịch để mua vé tham quan và chọn tour, hướng dẫn viên. Sagada là một vùng núi rộng với rất nhiều điểm tham quan như hang động, suối, thác, thung lũng, sông ngầm, quan tài treo, ruộng bậc thang… Khi biết nhóm chỉ có khoảng 4 giờ ở đây, nhân viên du lịch gợi ý cho chúng tôi nên đi một tour ngắn bao gồm: Quan tài treo Dokiw, hang động “nghĩa địa” Lumiang, hang Sumaguing và xem ruộng bậc thang Kapay-aw.
Đường đi rợp bóng thông xanh
Nhờ có xe riêng, nhóm khởi hành ngay mà không mất thời gian để thuê tricycle hay taxi. Từ đoạn đường chính, chúng tôi đi bộ chừng 20 phút để đến cửa hang Lumiang. Đường đi rợp bóng thông xanh với một bên là những cột đá dựng đứng. Giữa đường, anh hướng dẫn chỉ cho chúng tôi những cỗ quan tài được treo lẩn khuất trên các cột đá. Cũng có những cỗ quan tài được treo ngang trên thân cây thông, thoạt nhìn trông chẳng khác gì những khúc gỗ mục. Sau một hồi quen mắt, chúng tôi tự phát hiện thêm một vài cỗ quan tài khác giữa các vách đá và rừng cây.
Những cỗ quan tài lẩn khuất trong các hốc đá và tán cây
Thế nhưng, nơi quan tài tập trung nhiều nhất chính là cửa hang Lumiang. Chỉ cần bước xuống miệng hang chừng 5m là đã có thể nhìn thấy những cỗ quan tài tròn, nhỏ và ngắn nằm xếp lớp lên nhau. Một số thân gỗ đã bị bào mòn hư hao, nhưng chúng tôi không có can đảm để đến gần hơn nữa. Hướng dẫn viên giải thích những quan tài này được chôn cất từ khi người dân chưa có chữ viết, nên không có ký hiệu tên tuổi nào của người mất.
Động táng ở cửa hang Lumiang
Theo quan niệm của người dân địa phương, thiên táng (quan tài treo là một hình thức) hay động táng (giữ quan tài trong hang động) vừa giúp bảo vệ thi thể, chống thú dữ xâm phạm vừa là một “nấc thang” đưa họ đến gần hơn với thiên đường sau khi qua đời. Người mất được quàng trong tư thế bó gối, hai tay chắp trước ngực, điều đó giải thích vì sao những quan tài này (hầu hết đều làm bằng thân cây thông nguyên khối) lại có kích thước nhỏ và ngắn như vậy.
Saigon, ngày 18.7.2015